Tại sao tất cả nhân viên đều quay lưng rời bỏ bạn?

Đã bao giờ bạn tự hỏi vì sao cùng một thời điểm rất nhiều nhân viên đồng thời xin nghỉ việc tại cửa hàng của mình chưa? Vì họ là những người thiếu ý chí, thiếu sự quyết tâm hay vì năng lực của họ kém nên chủ động rút lui? Nếu chỉ là một hay hai nhân viên xin nghỉ thì các lý do trên còn miễn cưỡng phù hợp, nhưng nếu con số gấp đôi, gấp ba, thậm chí gấp cả chục lần bạn sẽ phải xem xét lại chính bản thân mình. Liệu rằng các chính sách, chế độ bạn đưa ra đã đáp ứng đúng nhu cầu của nhân viên chưa? Liệu rằng bạn có thực sự coi trọng họ hay chỉ muốn “tận dụng” họ? Liệu rằng bạn đã có “tấm lòng” của người quản lý? Và sau tất cả, phải làm thế nào mới tạo động lực cho nhân viên thật tốt? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay sau đây.

tao-dong-luc-cho-nhan-vien-1

  1. Dùng giá trị lợi ích để đo đếm giá trị con người

Đã từng có nhiều chủ shop quan niệm rằng mình bỏ tiền ra thuê nhân viên thì họ phải làm việc sao cho xứng đáng với số tiền đó. Điều này không sai, nhưng nếu bạn chỉ coi họ như nô lệ của đồng tiền thì chẳng bao giờ tạo động lực cho nhân viên được. Họ sẽ cảm thấy bạn đang nhìn họ bằng con mắt nhìn tiền chứ không phải nhìn người, và thử hỏi có ai cảm thấy muốn cống hiến nhiều hơn?

Vì vậy cách tốt nhất là coi nhân viên của mình giống một người đồng nghiệp, bạn tôn trọng các đóng góp của họ dù ít hay nhiều, bạn muốn lắng nghe ý kiến của họ dù tốt hay dở, bạn tham khảo đề xuất của họ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Như vậy nhân viên sẽ cảm thấy mình là một phần của cửa hàng và luôn cố gắng để tăng doanh thu hay tìm cách phát triển cửa hàng lớn mạnh hơn.

  1. Coi lương thưởng là thứ duy nhất để tạo động lực cho nhân viên

Có một thực tế rất buồn cười là, nhiều chủ shop cho rằng cứ “bơm” lương, “bơm” thưởng cho nhân viên thì kiểu gì họ cũng có động lực làm việc. Đây là một suy nghĩ rất thiển cận, chỉ có thể kích thích ý chí làm việc của nhân viên trong thời gian ngắn. Vì thực tế không phải ai đi làm cũng cần lương cao, tại một số vị trí như nhân viên chăm sóc, tư vấn họ chỉ cần sự ổn định, bạn tăng lương gấp đôi vẫn không bằng cho họ thêm hai ngày nghỉ.

Vì vậy cách tốt nhất để tạo động lực cho nhân viên là tìm hiểu nhu cầu thực sự của họ để đưa ra chính sách hỗ trợ phù hợp. Nhân viên sẽ cảm nhận được bạn đang quan tâm đến họ và muốn họ có cuộc sống tốt hơn, khi đó chẳng còn lý do để họ ra đi nữa.

  1. Không có cơ hội thăng tiến

Chẳng ai muốn suốt kiếp chỉ làm nhân viên ở tầng chót trong sơ đồ tổ chức, trừ khi cửa hàng của bạn chỉ có duy nhất một nhân viên hoặc chỉ tuyển toàn người bán thời gian. Còn nếu không thì ai cũng có tham vọng được lên chức, tăng quyền hạn để hưởng thêm đặc quyền, đồng thời thể hiện khả năng của mình ở nhiều mặt khác. Vì vậy nếu phải làm việc ở một nơi không thấy tương lai rộng mở nhân viên sẽ luôn có ý định “nhảy việc” để tìm kiếm cơ hội tốt hơn.

Với trường hợp này thì bạn nên cho nhân viên thấy “lộ trình công danh” của họ khi vào làm tại cửa hàng. Ví dụ sẽ được lên làm quản lý khi số lượng nhân viên tăng gấp đôi hiện tại hay được làm kế toán trưởng nếu mở thêm chi nhánh chẳng hạn.

  1. Không quan tâm đến tiến trình công việc của nhân viên

Có một câu nói mà không ít chủ shop truyền tai nhau thế này: “Tôi chỉ quan tâm anh bán được bao nhiêu tiền chứ không cần biết anh bán như thế nào!”. Xét về góc độ đầu tư thì suy nghĩ này cũng dễ hiểu, nhưng xét về góc độ quản lý nhân viên thì bạn đang mắc phải một sai lầm cực kỳ lớn. Việc giám sát tiến trình công việc của nhân viên là cách giúp bạn biết họ có làm đúng theo quy định, yêu cầu của mình không, hay là đang dùng mưu mẹo nào đó để đối phó.

Ví dụ bạn áp chỉ tiêu một ngày nhân viên phải gọi điện tư vấn cho 100 người, nhưng thay vì cố gắng thuyết phục khách nhân viên đó chỉ gọi rồi nói qua loa cho đủ số lượng. Như vậy nhân viên vẫn đạt kế hoạch, còn doanh số cửa hàng bạn cứ thụt lùi không rõ lý do.

Ngoài ra khi bạn quan tâm đến công việc của nhân viên còn khiến họ cảm thấy mình luôn được quản lý dẫn dắt, sửa chữa các sai lầm ngay lập tức. Nhờ vậy mà mối quan hệ giữa chủ shop với nhân viên cũng hòa thuận hơn, họ sẽ muốn cho bạn biết họ đang cố gắng thế nào để hoàn thành công việc bạn đặt ra.

Để theo dõi công việc của nhân viên thì ngoài dựa vào kế hoạch bạn nên sử dụng một phần mềm quản lý bán hàng hiện đại, phần mềm này sẽ ghi lại mọi lịch sử thao tác của nhân viên như nhập – xuất hàng hóa, in tem, hóa đơn, thu và trả tiền cho khách. Nhờ vậy bạn sẽ biết chính xác nhân viên đã làm những gì trong ngày để từ đó đưa ra quyết định khen thưởng hoặc chính sách hỗ trợ phù hợp. Nếu muốn trải nghiệm thử các tính năng của phần mềm này bạn chỉ cần nhấp vào nút xanh phía dưới để có 15 ngày dùng miễn phí.

Cuối cùng chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh lại một điều, nhân viên không phải công cụ, mà khi làm việc với con người bạn nên đặt mình vào vị trí của họ để suy xét mới có thể thành công tạo động lực cho nhân viên. Chớ có tư tưởng mình là người có tiền thì mình muốn sao cũng được.