Bài học kinh doanh xương máu từ thất bại của Pokemon GO

Còn nhớ cách đây 8 tháng cả thế giới từng “náo loạn” chỉ vì một tựa game di động khi vừa ra mắt đã có hàng triệu lượt tải về, tạo nên một cộng đồng người chơi khổng lồ sẵn sàng lao ra đường bất chấp nắng mưa. Chúng tôi đang nhắc tới cái tên Pokemon GO, chắc hẳn bạn còn chút ấn tượng chứ? Sở dĩ hi vọng như thế vì giờ đây chẳng còn mấy ai nhớ tới nó nữa, theo thống kê của Tạp chí Forbes 79% người chơi đã rời bỏ tựa game này tính đến hiện tại. Pokemon GO nổi lên như một hiện tượng mạng, sớm nở tối tàn và gây ra nhiều tranh cãi, tốn không ít giấy mực của giới báo chí. Nếu bạn là người mới khởi nghiệp kinh doanh, và kể cả dân buôn bán lâu năm, khi nhìn vào thất bại này bạn có rút ra được bài học kinh doanh gì cho mình hay không? Còn với Sapo thì chúng tôi nhận thấy, muốn bán hàng tốt thì phải:

bai-hoc-kinh-doanh-tu-that-bai-cua-pokemon-go-2

  1. Liên tục đổi mới

80% người nghỉ chơi Pokemon GO đều nói rằng chỉ sau một hai tháng họ đã chán ngấy gameplay nhàm chán của nó, ngoài việc chạy loanh quanh bắt pokemon, thỉnh thoảng ấp trứng, chiếm gym thì chẳng còn gì để làm nữa. Mặc dù Niantic – công ty phát hành Pokemon GO – đã đôi lần úp mở về các tính năng mới như cho phép người chơi đối kháng hoặc trao đổi pokemon với nhau, nhưng đến hiện tại vẫn chưa có thông tin chính thức của những cập nhật này, chính điều đó càng làm người dùng thêm thất vọng.

Trong ngành game di động đang cạnh tranh nhau từng chút một để đem đến trải nghiệm mới cho game thủ thì Pokemon GO đã để lộ ra yếu điểm chí mạng của mình. Dù hình thức chơi game thực tế ảo đang “hot” nhưng nếu không kịp thời bổ sung thêm tính năng mới thì vẫn không đủ để giữ chân người chơi.

Điều này cũng có thể xảy ra dù bạn đang kinh doanh quần áo, mở cửa hàng tạp hóa hay bất cứ cái gì liên quan đến sản phẩm, dịch vụ. Nếu sản phẩm của bạn muôn đời vẫn thế, không chịu cải tiến, không muốn thay đổi thì sẽ rất nhanh bị chìm nghìm trên thị trường. Lấy ví dụ như khi mở cửa hàng trà sữa, bạn có thấy để tồn tại họ phải liên tục khiến sản phẩm của mình độc đáo hơn như đựng vào bóng đèn, túi zipper hoặc thay đổi cách bán như trà sữa buffet,…

  1. Hoàn thiện sản phẩm khi đến tay người dùng

Lý do thứ hai khiến người ta ngán ngẩm với Pokemon GO là vì game xảy ra quá nhiều lỗi. Chẳng ít lần game thủ phải kêu trời vì các lỗi về GPS, đứng ứng dụng, tự thoát tài khoản,… cứ liên tục xảy ra mặc cho bên phát triển hứa hẹn sửa sai không ngừng. Điều này không chỉ gây trở ngại cho trải nghiệm người dùng mà còn cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp, không đầu tư kĩ cho chính sản phẩm của công ty sản xuất.

Nếu bạn định khởi nghiệp trong lĩnh vực liên quan đến sáng tạo hoặc sản xuất thì đây là bài học kinh doanh cần phải nhớ. Trước khi đưa sản phẩm đến tay người dùng hãy đảm bảo nó vận hành trơn tru, không gặp bất cứ trở ngại nào, nếu có thì chỉ nên dừng ở mức cực kỳ thấp. Chúng tôi đã từng gặp một trường hợp thực tế của công ty chế tạo phần mềm, do quá nóng vội ra mắt nên sản phẩm bị lỗi quá nhiều, khách hàng liên tục gọi điện yêu cầu hỗ trợ vì việc buôn bán của họ bị gián đoạn do các lỗi đó.

  1. Nâng cao các dịch vụ sau bán

Thêm một sai lầm nữa khiến game thủ quay lưng lại với Pokemon GO, đó là sự chậm trễ trong vấn đề xử lý khiếu nại, hỗ trợ người dùng từ phía công ty sản xuất – Niantic. Ngay từ khi mới tung ra bản thử nghiệm thì tựa game này đã xuất hiện vấn nạn hack, cheat, fake GPS,… Và cũng như bao lần, phía Niantic liên tục trấn an game thủ bằng nhiều lời hứa hẹn suông rồi kết quả vẫn đâu vào đấy, chỉ đến khi cộng đồng người chơi phản ứng dữ dội họ mới “sửa sai” một cách vụng về như chỉ xử lý hack, fake location tại các nước như Việt Nam (!?), thu hồi Pokemon hiếm và đưa chúng thành vật phậm để tặng trong các trận chiến.

Không chỉ yếu kém trong việc giải quyết hack mà cả khâu chăm sóc khách hàng của Niantic cũng cực kỳ kém. Nếu hay vào các kênh mạng xã hội chính thức của Pokemon bạn sẽ gặp không ít lời than phiền về chất lượng máy chủ, lỗi ứng dụng, sự nghèo nàn trong gameplay mà người dùng bình luận. Nhưng thay vì đưa ra phương án giải quyết, hoặc đơn giản là lời hứa hẹn thì Niantic lại đăng tải… mẹo chơi Pokemon GO.

Bài học kinh doanh ở đây là gì? Đó là bên cạnh cải thiện chất lượng sản phẩm bạn cũng phải nâng cao các dịch vụ sau bán nữa. Ví dụ như các vấn đề liên quan tới vận chuyển, xử lý khiếu nại, gửi các thông tin cập nhật mới,…. Những việc này tuy không đem về lợi nhuận trực tiếp nhưng lại là cách giữ chân khách hàng, tạo sức mạnh thương hiệu cực kì hiệu quả.

  1. Lường trước các hậu quả khi khách hàng dùng sản phẩm

Pokemon GO từng tạo ra một làn sóng phản đối dữ dội từ phía chính quyền và các bậc phụ huynh vì họ cho rằng nó quá nguy hiểm cho người chơi. Rất nhiều tai nạn đã xảy ra do game thủ quá tập trung vào màn hình điện thoại để dò bắt Pokemon mà không nhìn đường, hoặc các vụ cướp giựt liên tục xảy ra, rồi chuyện người chơi đột nhập vào đồn cảnh sát để kiếm… Pokeball. Kết quả cuối cùng là Pokemon GO bị cấm ở một số quốc gia như Ả Rập Xê Út, Kuwait, Iran,… khiến lượng người chơi tụt giảm nhanh chóng.

Nhiều người cho rằng những điều trên đều do ý thức game thủ, nhưng thực ra khi tung sản phẩm thì bên nhà sản xuất nên lường trước hậu quả để cảnh báo ngay từ đầu, như vậy sẽ hạn chế tối đa trường hợp đáng tiếc. Tại Việt Nam cũng từng có ví dụ về quán kinh doanh mỳ cay 7 cấp độ, một số nơi cổ súy khách hàng thách đố nhau ăn cay, mới đây ngày 2/10 tại Nghệ An đã xảy ra trường hợp khách ăn bị sốc phải đưa đi cấp cứu, hoặc ở Kiên Giang có người bị nôn ói, co thắt dạ dày nặng.

Chắc hẳn khi mở quán kinh doanh không ai muốn bị như thế, cũng rất khó để đảm bảo không xảy ra trường hợp tương tự. Nhưng nếu muốn kinh doanh lâu dài và phát triển hơn thì bạn nên lường trước mọi hậu quả để cảnh báo khách hàng và lên kế hoạch dự trù xử lý.

Trên đây là 4 bài học kinh doanh xương máu rút ra từ hiện tượng Pokemon GO, hi vọng qua đây bạn sẽ biết mình nên và không nên làm gì để đạt được lợi nhuận cao nhất khi khởi nghiệp kinh doanh.