Quảng cáo không đúng sự thật bị xử lý như thế nào ?

* Thực trạng hiện nay nhiều người giả mạo lời dẫn của biên tập viên, ghép logo đài truyền hình vào video quảng cáo sản phẩm nhầm đánh lừa khách hàng rằng sản phẩm được đánh giá có chất lượng sẽ bị xử lý thế nào ?

– Theo điều 32 Bộ luật Dân sự 2015, cá nhân có quyền với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải được sự đồng ý của người đó và phải trả thù lao cho hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Mọi hành vi sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại mà không được sự đồng ý của người đó là vi phạm pháp luật, và người có hình ảnh có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Khoản 8 điều 8 Luật Quảng cáo 2012 cũng quy định "quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép" là một trong những hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo.

Như vậy, việc tạo dựng lời dẫn của biên tập viên, gắn logo mạo danh đài truyền hình để quảng cáo của các đối tượng trên là hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo. Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi mà đối tượng vi phạm có thể bị xử phạt hành chính Nếu người quảng cáo gây ảnh hưởng dư luận xấu, ảnh hưởng tới uy tín của tổ chức sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng thì còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình.

Về xử phạt hành chính: Hành vi tạo dựng lời dẫn của biên tập viên, cắt ghép logo, hình ảnh để mạo danh cơ quan, tổ chức khác có thể bị xử phạt từ 20.000.000 đến 30.000.000 đồng theo quy định tại khoản 3 điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP về "Quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định"; "Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép, đồng thời buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa đoạn quảng cáo vi phạm.

Về truy cứu trách nhiệm hình sự: Trong trường hợp người có hành vi quảng cáo gian dối đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội quảng cáo gian dối theo quy định tại điều 197 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một đến 5 năm.

Trong trường hợp khách hàng xem đoạn quảng cáo và tìm đến mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ ở những nơi quảng cáo sai sự thật với số tiền lớn, họ có thể làm đơn tố cáo về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của cá nhân, tổ chức đó gửi cơ quan công an.