Thế nào là nhãn hiệu nổi tiếng?
Nhãn hiệu được coi là nổi tiếng khi nó được sử dụng liên tục cho hàng hóa, dịch vụ có uy tín và do vậy được biết đến một cách rộng rãi. Theo Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (mà Việt Nam là một thành viên), nhãn hiệu nổi tiếng nghiễm nhiên được hưởng chế độ bảo hộ đặc biệt tại tất cả các nước thành viên mà không cần qua bất kỳ thủ tục đăng ký nào.
Ở Việt Nam, nhãn hiệu nổi tiếng sẽ do Cục Sở hữu trí tuệ xem xét và công công nhận trên cơ sở các chứng cứ pháp lý và thực tế sử dụng của nhãn đó đủ tiêu chuẩn để được công nhận là nổi tiếng.
Có những loại nhãn hiệu nào được pháp luật bảo hộ?
Ngoài các nhãn hiệu cho phép xác định nguồn gốc sản xuất hoặc nguồn gốc thương mại của hàng hóa/dịch vụ, được gọi chung là nhãn hiệu, pháp luật còn bảo hộ Nhãn hiệu tập thể và Nhãn hiệu chứng nhận, Nhãn hiệu liên kết.
Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó.
Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hoá, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu. Ví dụ, ISO 9000 là một nhãn hiệu chứng nhận được công nhận rộng rãi trên thế giới.
Nhãn hiệu liên kết là các nhãn hiệu do cùng một chủ thể đăng ký, trùng hoặc tương tự nhau dùng cho sản phẩm, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự nhau hoặc có liên quan với nhau.
Khi nào một dấu hiệu (để xin bảo hộ là nhãn hiệu) bị coi là không có khả năng phân biệt?
Luật sở hữu trí tuệ (SHTT) Việt Nam và của nhiều quốc gia khác đều có các quy định cụ thể dấu hiệu nào bị coi là không có khả năng phân biệt. Nói chung, đó là các hình và hình hình học đơn giản, các chữ số, chữ cái, các chữ không có khả năng phát âm như một từ ngữ; chữ nước ngoài thuộc các ngôn ngữ không thông dụng… Tuy nhiên, một số dấu hiệu có thể được bảo hộ nếu chúng được sử dụng và được biết đến một cách rộng rãi… Các luật sư, chuyên gia trong lĩnh vực nhãn hiệu có thể giúp làm rõ vấn đề này khi bạn muốn đăng ký mnột nhãn hiệu.
Nhãn hiệu có những chức năng gì trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp?
Chức năng chính của nhãn hiệu là để phân biệt các nhà sản xuất, kinh doanh và chỉ dẫn nguồn gốc của sản phẩm/dịch vụ. Ngoài ra, nhãn hiệu còn có một số chức năng phụ mà các doanh nghiệp cần quan tâm khai thác như chức năng chỉ dẫn chất lượng, chức năng quảng cáo và chức năng hỗ trợ kiểm soát và tổ chức thị trường.
Thế nào là nhãn hiệu ba chiều?
Nhãn hiệu ba chiều là hình dáng bề ngoài của sản phẩm được thể hiện dưới dạng không gian ba chiều. Trên thế giới, nhãn hiệu ba chiều được bảo hộ và sử dụng khá phổ biến. Việt nam hiện nay chưa có văn bản cụ thể nào qui định về việc bảo hộ nhãn hiệu ba chiều. Tuy nhiên, trên thực tế, Cục Sở hữu Trí tuệ vẫn chấp nhận đăng ký nhãn hiệu ba chiều. Các tiêu chuẩn và quy trình xét nghiệm nhãn hiệu ba chiều cũng giống như đối với các nhãn hiệu bình thường khác.
Phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu là gì?
Phụ thuộc vào ý đồ kinh doanh, phát triển thương hiệu, duy trì tuyền thống…và luật nhãn hiệu của từng quốc gia, chủ nhãn hiệu có thể quyết định phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu trên các khía cạnh: (i) Ở đâu (trong nước hoặc những nước nào), (ii) cho loại hàng hoá, dịch vụ gì, và (iii) trong bao lâu (thời hạn bảo hộ).
Khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu, người nộp đơn phải xác định rõ đang và sẽ sử dụng nhãn hiệu đó cho những loại hàng hóa, dịch vụ cụ thể nào. Thỏa ước Nice về phân loại hàng hóa, dịch vụ liên quan đến bảo hộ nhãn hiệu (mà Việt Nam đang áp dụng) đã phân các hàng hóa thành 34 nhóm và các dịch vụ thành 11 nhóm.
Một nhãn hiệu đăng ký cho nhiều nhóm hàng hoá dịch vụ thì lệ phí đăng ký sẽ cao hơn so với một nhóm.
Thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là bao lâu?
Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực trong 10 năm, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp.
Nộp đơn xin đăng ký nhãn hiệu ở đâu?
Bất kỳ cá nhân hoặc doanh nghiệp Việt Nam nào cũng có quyền nộp đơn trực tiếp vào Cục Sở hữu trí tuệ yêu cầu cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Tuy nhiên, vì đây là một công việc đòi hỏi kinh nghiệm và trình độ chuyên môn, bạn nên được tư vấn trước để đảm bảo tiến hành thủ tục một cách tốt nhất.
Nhãn hiệu có thể được sửa đổi sau khi đăng ký không?
Nhãn hiệu và danh mục hàng hóa, dịch vụ không thể được sửa đổi sau khi đăng ký, trừ trường hợp sửa đổi để giới hạn danh mục hàng hóa,dịch vụ.
Nếu không được sử dụng, nhãn hiệu đã đăng ký có thể bị hủy bỏ không?
Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có thể bị hủy hiệu lực nếu chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu không sử dụng nhãn hiệu trong 5 năm liên tục trước ngày có yêu cầu đình chỉ hiệu lực, mà không có lí do chính đáng. Trong trường hợp này, hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bị đình chỉ kể từ ngày đầu tiên sau thời hạn 5 năm nói trên.
Có thể ngăn chặn người khác sử dụng nhãn hiệu tương tự hoặc trùng với nhãn hiệu đang trong giai đoạn thẩm định không?
Không. Ở Việt Nam, quyền đối với nhãn hiệu chỉ phát sinh trên cơ sở Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu do Cục Sở hữu trí tuệ cấp. Vì vậy, khi chưa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, khó có khả năng ngăn chặn người khác sử dụng nhãn hiệu tương tự hay hoàn toàn giống với nhãn hiệu đang được thẩm định.
Có thể sửa đổi nhãn hiệu đang trong giai đoạn thẩm định không?
Có. Người nộp đơn có thể sửa đổi nhãn hiệu và/hoặc các sản phẩm/dịch vụ đăng ký trong giai đoạn thẩm định với điều kiện là việc sửa đổi đó không làm thay đổi bản chất của nhãn hiệu so với khi nộp và/hoặc không mở rộng phạm vi bảo hộ của các sản phẩm/dịch vụ xin đăng ký.
Thông thường thủ tục đăng ký nhãn hiệu kéo dài bao lâu?
Nếu không gặp trở ngại (ví dụ, bị bên thứ ba phản đối…), giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sẽ được cấp trong khoảng thời gian từ 12 đến 15 tháng kể từ khi nộp đơn, và trải qua các giai đoạn, gồm (i) thẩm định đơn về hình thức xem có đúng các quy định hay không (1 tháng kể từ ngày nộp đơn), (ii) công bố đơn (2 tháng, kể từ ngày đơn được chấp nhận là đơn hợp lệ, (iii) thẩm định đơn về nội dung và cấp văn bằng (9 tháng, kể từ ngày công bố đơn).
Tại sao nên tiến hành tra cứu trước khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu?
Mặc dù không bắt buộc, bạn nên tiến hành tra cứu khả năng đăng ký sử dụng nhãn hiệu trước khi nộp đơn xin bảo hộ. Lý do rất đơn giản, khi bạn nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cho Cơ quan có thẩm quyền ( Ở Việt Nam là Cục Sở hữu trí tuệ, và ở nước khác là một cơ quan tương tự nào đó) cơ quan đó sẽ có một thời gian từ 12-18 tháng để thẩm định, rồi trên kết quả thẩm định sẽ quyết định công nhận hay từ chối bảo hộ (vì nhiều lý do, có thể do nhãn hiệu của bạn không có khả năng phân biệt, trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với một nhãn hiệu có trước..). Nếu bị từ chối, bạn không những mất chi phí đăng ký mà còn tiêu tốn thời gian một cách vô ích.
Khi tạo nhãn hiệu mới, cần chú ý những điều gì?
Có nhiều điều cần lưu ý, nhưng quan trọng nhất là:
– Thứ nhất, nhãn hiệu đó không được trùng, giống hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu đang còn hiệu lực bảo hộ. Cần lưu ý rằng hiện đang có hàng chục ngàn nhãn hiệu đang được bảo hộ ở Việt Nam, và ở trên thế giới là hàng triệu. Vì vậy, hãy tham khảo ý kiến của các chuyên gia, luật sư trong lĩnh vực nhãn hiệu trước khi bạn có ý định thiết kế và đăng ký một nhãn hiệu mới;
– Thứ hai, nhãn hiệu phải dễ nhớ, hấp dẫn, gây sự chú ý để dễ in sâu vào tiềm thức người tiêu dùng, phục vụ cho công việc kinh doanh và quảng bá sản phẩm;
– Thứ ba, nhãn hiệu cần có tính phân biệt mạnh, để không gây tranh cãi, nhấm lẫn, hoặc hiểu nhầm về nguồn gốc và bản chất sản phẩm/dịch vụ.
Dấu hiệu như thế nào thì có thể được bảo hộ là nhãn hiệu?
Để được bảo hộ là nhãn hiệu, dấu hiệu phải đáp ứng các yêu cầu sau:
– Nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc;
– Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác. Hay nói cách khác, không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đang được bảo hộ.
KeyCite VietNam