Câu hỏi thường gặp về Quyền tác giả và quyền liên quan

1. Quyền tác giả là gì? Loại tác phẩm nào được bảo hộ quyền tác giả? 

Quyền tác giả là phần cốt lõi của pháp luật nhằm trao cho tác giả, nghệ sỹ và các nhà sáng tạo khác sự bảo hộ cho những sáng tạo văn học và nghệ thuật của họ – dưới đây được gọi chung là “tác phẩm”. Theo quy định, các tác phẩm đủ điều kiện bảo hộ quyền tác giả là các sáng tạo trí tuệ gốc. Chúng được bảo hộ bất kể chất lượng của chúng và bao gồm các hướng dẫn kỹ thuật hoặc các hình vẽ kỹ thuật đơn thuần. Nhìn chung, pháp luật về quyền tác giả không liệt kê danh mục đầy đủ các loại tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, nhưng trên thực tiễn pháp luật của tất cả quốc gia đều quy định sự bảo hộ cho các đối tượng sau:
• Tác phẩm văn học;
• Tác phẩm âm nhạc;
• Tác phẩm nghệ thuật;
• Bản đổ và các bản vẽ kỹ thuật;
• Các tác phẩm nhiếp ảnh;
• Tác phẩm điện ảnh;
• Chương trình máy tính;
• Các sản phẩm đa phương tiện.

Do vậy, tác giả của chương trình máy tính, người thiết kế trang web, doanh nghiệp đa phương tiện, công ty quảng cáo, đài phát thanh, nhà xuất bản và các kênh truyền hình sáng tạo ra và truyền bá các tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả theo các quy định thông thường, và phải hiểu rõ về hình thức bảo hộ được trao cho các tác phẩm nhằm khai thác chúng một cách phù hợp. Hơn nữa, các công ty có hoạt động kinh doanh chủ yếu không liên quan đến việc sáng tạo hoặc phổ biến các tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả phải có sự hiểu biết tốt về hệ thống quyền tác giả vì trang web của công ty, chương trình quảng cáo, tài liệu giới thiệu, tài liệu hướng dẫn và các tài liệu khác nhìn chung là được bảo hộ quyền tác giả. Hơn
nữa, các công ty phải lưu ý khi sử dụng các tác phẩm của người khác được bảo hộ quyền tác giả, như chương trình máy tính.

Điều quan trọng là phải ghi nhớ rằng pháp luật về quyền tác giả chỉ bảo hộ hình thức thể hiện ý tưởng chứ không phải bản thân ý tưởng. Sự sáng tạo được pháp luật quyền tác giả bảo hộ là sự sáng tạo về việc chọn lọc và sắp xếp các từ ngữ, nốt nhạc, màu sắc và mã máy tính, v.v.. Do vậy, ý tưởng và cốt truyện cơ bản của hai tiểu thuyết lãng mạn có thể rất tương tự nhau, nhưng cách thức thể hiện và từ ngữ được sử dụng để mô tả sẽ tạo cho mỗi tác phẩm gốc thành một đối tượng được bảo hộ quyền tác giả một cách riêng biệt.

2. Cách thức bảo hộ tác phẩm của mình? Quyền tác giả bao gồm các quyền nào? 

Không giống như các quyền sở hữu trí tuệ khác buộc phải đăng ký, quyền tác giả không phụ thuộc vào các thủ tục hành chính. Một tác phẩm đã được sáng tạo ra được coi là đã được bảo hộ quyền tác giả ngay khi định hình. Theo hai công ước quốc tế về quyền tác giả (đặc biệt là Công ước Berne về bảo hộ tác phẩm văn học và nghệ thuật), các tác phẩm văn học và nghệ thuật được bảo hộ mà không cần tiến hành thủ tục bất kỳ tại nước thành viên của các công ước này. Do vậy, không có hệ thống quốc tế nào về đăng ký bảo hộ quyền tác giả chung cho một số nước khác nhau.
Tuy nhiên, nhiều nước có cơ quan quản lý quyền tác giả quốc gia và pháp luật một số quốc gia cho phép đăng ký các tác phẩm với mục đích, ví dụ, xác định và phân biệt tên gọi của tác phẩm. Ở một số nước, việc đăng ký còn nhằm mục đích tạo chứng cứ ban đầu trước toà án trong các vụ tranh chấp về quyền tác giả.

Các độc quyền được cấp
Tác giả gốc của tác phẩm được bảo hộ bởi quyền tác giả có độc quyền sử dụng hoặc cho phép người khác sử dụng tác phẩm theo những điều kiện thoả thuận. Tác giả của tác phẩm có thể ngăn cấm hoặc cho phép:
• Tái bản dưới nhiều hình thức khác nhau, như bản in hoặc bản ghi âm;
 Phân phối lần đầu tiên đến công chúng thông qua bán và chuyển nhượng quyền sở hữu trong các bản sao hữu hình;
• Cho thuê các bản sao (đối với chương trình máy tính và bản ghi âm, cũng như các tác phẩm nghe nhìn);
• Biểu diễn trước công chúng, đối với một vở kịch hoặc tác phẩm âm nhạc;
• Sao chép, ví dụ, dưới hình thức đĩa compăc, cát-xét hoặc băng video;
• Phát sóng, thông qua truyền thanh, cáp quang và vệ tinh;
• Dịch từ ngôn ngữ gốc sang ngôn ngữ khác hoặc chuyển thể, ví dụ, một tiểu thuyết thành kịch bản phim.

Nhiều tác phẩm sáng tạo được bảo hộ quyền tác giả cần có sự phân phối, truyền thông và đầu tư tài chính lớn cho việc phổ biến (ví dụ, các ấn phẩm, bản ghi âm hoặc phim), do đó, tác giả thường chuyển giao quyền (li-xăng) các quyền đối với tác phẩm của mình cho các cá nhân hoặc công ty có khả năng tiếp thị tốt nhất các tác phẩm đó để nhận được thù lao. Những khoản thù lao thường được đưa ra phụ thuộc vào việc sử dụng thực tế các tác phẩm và do đó, được gọi chung là phí li-xăng.
Các quyền tài sản có thời hạn nhất định, nhìn chung là 50 năm sau khi tác giả chết. Pháp luật quốc gia có thể quy định một thời hạn dài hơn. Thời hạn này cho phép tác giả và người thừa kế hưởng lợi về tài chính trong một thời hạn nhất định. Việc bảo hộ quyền tác giả cũng bao gồm quyền nhân thân (quyền tinh thần) liên quan đến quyền yêu cầu nêu tên là tác giả của tác phẩm và quyền phản đối những thay đổi trong tác phẩm có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của tác giả.
Tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm có thể thực thi các quyền theo thủ tục hành chính và tại toà án thông qua việc thanh tra cơ sở sản xuất để thu thập bằng chứng về việc sản xuất hoặc sở hữu hàng hoá xâm phạm quyền tác giả hoặc được sản xuất bất hợp pháp liên quan đến tác phẩm được bảo hộ. Chủ sở hữu có thể nhận được lệnh từ toà án để ngăn chặn các hành vi nêu trên, cũng như yêu cầu bồi thường cho những thiệt hại về tài chính hoặc sự thừa nhận.

3. Các loại quyền phổ biến nhất được quản lý tập thể là gì?
Tổ chức quản lý tập thể chủ yếu quản lý các quyền sau:
• Quyền biểu diễn trước công chúng (âm nhạc được chơi hoặc được biểu diễn tại các sàn nhảy, nhà hàng và các địa điểm công cộng khác);
• Quyền phát sóng (cuộc biểu diễn trực tiếp hoặc bản ghi âm trên đài phát thanh hoặc truyền hình);
• Quyền tái bản các tác phẩm âm nhạc (tái bản các tác phẩm trong đĩa CD, băng ghi âm, đĩa ghi âm nhựa, băng cát-xét, đĩa mini hoặc các hình thức ghi âm khác);
• Quyền biểu diễn trong các tác phẩm kịch (các vở kịch trong nhà hát);
• Quyền tái bản các tác phẩm văn học và âm nhạc bằng cách sao chụp (phôtôcopy);
• Các quyền liên quan (quyền của người biểu diễn và nhà sản xuất các bản ghi âm trong việc thu thù lao đối với việc phát sóng và truyền đạt đến công chúng các bản ghi âm).

(Trích Những điều cần biết về sở hữu trí tuệ – Quyền tác giả đối với bản gốc tiếng Anh của tác phẩm thuộc về Trung tâm Thương mại quốc tế UNCTAD/WTO và Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (năm 2003). Quyền tác giả đối với bản tiếng Việt thuộc về Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (năm 2009)).

4. Quyền liên quan đến quyền tác giả là gì?

Quyền liên quan đến quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá.

(Khoản 3, Điều 4, Luật SHTT)

                                   (Theo luật SHCN)